Bản tin thuế số 04 tháng 03 năm 2020

      Công ty TNHH dịch vụ Đại Lý Thuế A&T tổng hợp văn bản mới số 04, tháng 03 năm 2020, cụ thể như sau:

 

      I. Chỉ thị của Bộ Tài chính

      Chỉ thị số 03/CT-BTC của Bộ trưởng Tài chính

      Ngày 26 tháng 11 năm 2019 Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 8 đã thông qua Nghị quyết số 94/2019/QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2020.

      Ngày 19/03/2020 Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-BTC chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết này. Chỉ thị có nêu:

      Nghị quyết của Quốc hội là văn bản quy phạm pháp luật, cơ sở pháp lý cho thực hiện xử lý nợ không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. Việc xóa nợ phải căn cứ vào từng đối tượng, đáp ứng các điều kiện xử lý cụ thể về hồ sơ, thủ tục và liên quan đến nhiều đối tượng nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, giải thể, phá sản, không còn sản xuất kinh doanh, không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, đặt ra yêu cầu trong công tác tổ chức triển khai thực hiện cần có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, ban ngành, chính quyền các cấp ở địa phương. Xuất phát từ yêu cầu trên và để tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả và thống nhất trong cả nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thuế các cấp thực hiện ngay một số một số nhiệm vụ sau:

      1. Trong tháng 4 năm 2020, giao Tổng cục Thuế chủ trì, phối hợp với các Vụ, đơn vị thuộc Bộ Tài chính quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tại Tổng cục Thuế triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Tổng cục Thuế) do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế làm Trưởng ban, một Phó Tổng cục trưởng làm Phó Trưởng ban Thường trực và các Ủy viên là lãnh đạo các vụ, đơn vị liên quan,

      2. Giao Cục trưởng Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong tháng 4 năm 2020 quyết định thành lập Ban chỉ đạo triển khai thực hiện Nghị quyết xử lý nợ ở địa phương (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo Cục Thuế) …

      Trước ngày 01/7/2020, tập trung chỉ đạo thực hiện việc rà soát, phân loại nợ theo từng địa bàn, theo từng đối tượng được xử lý nợ bảo đảm chính xác, đúng đối tượng, đồng thời lập văn bản xác nhận tình trạng hoạt động của người nộp thuế tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc giữa cơ quan quản lý thuế với Ủy ban nhân dân cấp xã về việc người nộp thuế không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, địa chỉ liên lạc (nếu chưa có) để trình cấp có thẩm quyền xem xét xử lý khi Nghị quyết có hiệu lực thi hành…

 

      II. Công văn hướng dẫn

      1 – Công văn số 1106/TCT-CS ngày 18/3/2020 về thuế GTGT khi điều chuyển tài sản

      Căn cứ quy định trên và theo trình bày của Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk, Tổng cục Thuế thống nhất với quan điểm 1 của Cục Thuế tỉnh Đắk Lắk, cụ thể:

      Trường hợp Công ty TNHH MTV Chỉ thun Cao su Đắk Lắk làm thủ tục sáp nhập để kiện toàn bộ máy trong hoạt động, tài sản không bán thanh lý mà chuyển cho Công ty Cổ phần Cao su Đắk Lắk thành lập một Chi nhánh trực thuộc hạch toán phụ thuộc tiếp nhận, sử dụng toàn bộ tài sản (theo giá trị trên sổ sách kế toán), nguồn vốn của Công ty TNHH MTV Chỉ thun Cao su Đắk Lắk để tổ chức sản xuất, kinh doanh, kế thừa toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp, chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ khác của Công ty TNHH MTV Chỉ thun Cao su Đắk Lắk thì toàn bộ tài sản bao gồm tài sản cố định, vật tư hàng hóa còn tồn kho chuyển do sáp nhập theo quy định của Luật Doanh nghiệp không phải xuất hóa đơn.

 

      2 – Công văn số 1114/TCT-CS ngày 18/3/2020 về thuế GTGT đối với sản phẩm dầu thô làm từ đậu tương hạt

      Tại khoản 1 Điều 3 Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định về đối tượng không chịu thuế GTGT:

      “1. Bổ sung Khoản 1b và 1c vào Điều 3 như sau:

      “1b. Phân bón; thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản và thức ăn cho vật nuôi khác, bao gồm các loại sản phẩm đã qua chế biến hoặc chưa qua chế biến như cám, bã, khô dầu các loại, bột cá, bột xương, bột tôm, các loại thức ăn khác dùng cho gia súc, gia cầm, thủy sản và vật nuôi khác, các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi (như premix, hoạt chất và chất mang).

      Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các loại thức ăn cho gia súc, gia cầm, thủy sản và vật nuôi khác và các chất phụ gia thức ăn chăn nuôi thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Khoản này.”

      Ngày 14/10/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công văn số 7663/BNN-TC gửi Tổng cục Thuế về việc xác định sản phẩm thức ăn chăn nuôi (bản photocopy kèm theo).

      Ngày 11/02/2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT về ban hành Danh mục sản phẩm thức ăn chăn nuôi theo tập quán và nguyên liệu đơn được phép lưu hành tại Việt Nam (gọi tắt là Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT) quy định: Sản phẩm “Dầu, mỡ có nguồn gốc từ thực vật, động vật”’ là thức ăn chăn nuôi theo tập quán (mục 1.4.1 tại phụ lục kèm theo Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT) .

      Căn cứ vào các quy định nêu trên, sản phẩm “Dầu đậu nành thô”: được sản xuất làm thức ăn chăn nuôi với bản chất là dầu có nguồn gốc từ thực vật, sẽ được xếp vào nhóm thức ăn theo tập quán là “Dầu, mỡ”.

 

      3 – Công văn số 1175/TCT-KK ngày 20/3/2020 về lệ phí môn bài của Công ty Luật và Văn phòng Luật

      Căn cứ các quy định nêu trên, Sở Tư pháp cấp Giấy đăng ký hoạt động cho Văn phòng luật sư hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân, Công ty luật hoạt động theo loại hình công ty luật hợp danh và công ty luật trách nhiệm hữu hạn (công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên). Giấy đăng ký hoạt động do Sở Tư pháp cấp cho Công ty luật và Văn phòng luật sư không có thông tin về vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư.

      Do đó, theo Nghị định số 139/2016/NĐ-CP, mức nộp lệ phí môn bài áp dụng cho Công ty Luật và Văn phòng luật sư là 1.000.000 đồng.

      Tổng cục Thuế đã thực hiện nâng cấp ứng dụng Quản lý thuế tập trung TMS xác định mức nộp lệ phí môn bài áp dụng cho Công ty luật và Văn phòng luật sư là 1.000.000 đồng, hạch toán tiểu mục 2864.

 

      4 – Công văn số 1219/TCT-CS ngày 24/3/2020 về chính sách thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm xuất khẩu là bột silicate làm men sành sứ

      Theo trình bày của Cục Thuế tỉnh Đồng Nai và thông tin từ các. Công ty bán sản phẩm bột Zircon cho Công ty TNHH Zirtec thì cơ bản quy trình công nghệ sản xuất ra bột Zircon trải qua các bước: tuyển rửa quặng Titan thô, sấy khô, tuyển từ, tuyển bàn đãi nước, sấy khô, tuyển điện, sàng lọc.

      Như vậy, bột Zircon có quy trình sản xuất tương tự như mặt hàng bột cát thạch anh nên chưa có đủ cơ sở khẳng định bột Zircon là khoáng sản đã qua chế biến thành sản phẩm khác. Bột silicate làm men sành sứ được sản xuất từ bột Zircon cũng chưa đủ cơ sở khẳng định là khoáng sản đã qua chế biến thành sản phẩm khác.

 

      5 – Công văn số 1249/TCT-DNNCN ngày 25/3/2020 về chính sách thuế TNCN

      Tại điểm c khoản 2 điều 2 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thu nhập chịu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công bao gồm:

      “c) Tiền thù lao nhận được dưới các hình thức như: tiền hoa hồng đại lý bán hàng hóa, tiền hoa hồng môi giới; tiền tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút theo quy định của pháp luật về chế độ nhuận bút; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy; tiền tham gia biểu diễn văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao; tiền dịch vụ quảng cáo; tiền dịch vụ khác, thù lao khác.”

      Căn cứ hướng dẫn nêu trên thì tiền thù lao nhận được của các cá nhân tham gia chương trình, đề án khoa học thuộc diện thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công.

 

Trân trọng.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!