SỬ DỤNG HÓA ĐƠN CỦA DOANH NGHIỆP BỎ TRỐN
Việc rà soát hóa đơn – chứng từ, kê khai, nộp tờ khai hàng kỳ là 1 trong số những nhiệm vụ quan trọng của các kế toán thuế trong mỗi Doanh nghiệp, có thể gặp phải trường hợp hóa đơn đầu vào là của DN bỏ trốn. Trong trường hợp này DN có được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và được đưa vào chi phí hợp lý khi tính thuế TNDN hay không? Cách xử lý hóa đơn mua của DN bỏ trốn như thế nào? Sau đây, Đại lý thuế A&T – Quảng Ninh sẽ giúp anh (chị ) giải đáp những thắc mắc nêu trên.
*Cơ sở Pháp lý liên quan
- + Quyết định 438/QĐ-TCT ngày 05/04/2017 của Bộ tài chính về việc ban hành quy trình quy định về trình tự thủ tục xác minh tình trạng hoạt động, thông báo công khai thông tin, xử lý và khôi phục mã số thuế đối với người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng kí với Cơ quan thuế.
+ Điều 22, 23 của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 quy định về việc sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
+ Thông tư 10/2014/TT-BTC hướng dẫn xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn (xử phạt vi phạm sử dụng hóa đơn bất hợp pháp tại điều 11 và 12).
Trường hợp 1: Doanh nghiệp thực hiện mua bán hóa đơn – Việc mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là không có thật.
Đây là hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (lập hóa đơn khống, mua bán hóa đơn) cho dù doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện bỏ trốn cũng vi phạm theo khoản 1 điều 23 của thông tư 39/2014/TT-BTC.
Khi cơ quan thuế phát hiện ra sẽ bị xử phạt từ 20 – 50 triệu theo Thông tư 10/2014/TT-BTC về hành vi sử dụng bất hợp pháp hóa đơn.
Bên mua không được kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào cũng như không được tính chi phí được trừ khi tính thuế TNDN (nếu chưa kê khai hạch toán thì loại ra, còn nếu đã kê khai hạch toán thì phải làm điều chỉnh giảm).
Trường hợp 2: Việc mua bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ là có thật, tuy nhiên bên bán đã bị cơ quan thuế hoặc cơ quan chức năng thông báo, kết luận là doanh nghiệp bỏ trốn.
Đối với trường hợp này kế toán phải xác định xem thời điểm phát sinh hóa đơn đầu vào đo là trước hay sau khi doanh nghiệp bỏ trốn.
* Với hóa đơn lập trước khi doanh nghiệp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bỏ trốn:
+ Khi cơ sở kinh doanh sử dụng hóa đơn mua hàng hóa, dịch vụ của cơ sở kinh doanh bỏ trốn để kê khai khấu trừ thuế GTGT, tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN mà thời điểm mua hàng hóa, dịch vụ phát sinh trước ngày xác định cơ sở kinh doanh bỏ trốn theo thông báo của cơ quan thuế hoặc cơ quan chức năng khác – tuy nhiên chưa đủ căn cứ để kết luận đó là hóa đơn bất hơp pháp thì cơ quan thuế phải thực hiện kiểm tra, xác định đúng có hàng hóa, dịch vụ mua vào và yêu cầu cơ sở kinh doanh chứng minh và chịu trách nhiệm trước Pháp Luật việc mua bán hàng hóa, dịch vụ là có thật, có hợp đồng mua bán, văn bản chứng từ thanh lý hợp đồng (nếu có), phiếu xuất kho, phiếu nhập kho, chứng từ thanh toán tiền mua hàng hóa, dịch vụ của DN bỏ trốn được sử dụng để phục vụ hoạt động kinh doanh đã bán ra và đã kê khai thuế, có hạch toán kế toán đầy đủ, đúng quy định thì cơ sở kinh doanh được khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn mua hàng đó và được tính vào chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
+ Khi cơ quan thuế hoặc cơ quan chức năng có kết luận là hóa đơn bất hợp pháp thì cơ sở kinh doanh buộc phải điều chỉnh giảm thuế GTGT được khấu trừ và đồng thời loại khỏi chi phí hợp lý khi xác định thuế thu nhập phải nộp và đương nhiên sẽ bị nộp phạt vì hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp.
* Với hóa đơn lập sau khi doanh nghiệp bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ bỏ trốn:
Trong trường hợp này thì doanh nghiệp sẽ không được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và không được tính vào chi phí xác định thu nhập chịu thuế.
KẾT LUẬN:
1. Nếu hóa đơn đó phát hành trước khi DN bỏ trốn và cơ sở kinh doanh chứng minh được giao dịch thật, dựa trên các loại hồ sơ như đã thống kê bên trên thì cơ sở kinh doanh vẫn được khấu trừ thuế GTGT và tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN.
2. Nếu hóa đơn đó phát hành sau khi DN bỏ trốn thì không được khấu trừ và cũng không được đưa vào chi phí.
– Nếu hóa đơn chưa kê khai thì không được kê khai;
– Nếu hóa đơn đó đã kê khai thì phải khai điều chỉnh giảm thuế GTGT được khấu trừ và điều chỉnh lại tờ khai quyết toán TNDN
3. Nếu cơ quan thuế hoặc cơ quan chức năng chứng minh được giao dịch liên quan đến hóa đơn bất hợp pháp là không có thật thì ngoài việc không được khấu trừ, không được tính vào chi phí hợp lý còn bị phạt từ 20tr.đ đến 50tr.đ
Như vậy khi gặp phải trường hợp dùng hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, ngừng kinh doanh, doanh nghiệp sẽ gặp phải những rắc rối lớn không đáng có. Và có thể bị xử phạt theo quy định của pháp luật. Do đó, cần phát hiện nhanh chóng để tránh gặp phải những tình huống bị động khi sử dụng hóa đơn của doanh nghiệp bỏ trốn, ngừng kinh doanh.
Để kịp thời giúp cho DN kiểm tra tính hợp pháp của hóa đơn trong quá trình giao dịch Tổng cục thuế đã xây dựng Webside Tracuuhoadon.gdt.gov.vn, giúp người nộp thuế và các tổ chức, cá nhân khác có thể tra cứu được các thông tin về hóa đơn bao gồm:
– Đơn vị phát hành hóa đơn, thời gian phát hành hóa đơn và thông tin về hóa đơn như ký hiệu, từ số, đến số,…
– Thông tin hóa đơn không còn giá trị sử dụng là các hóa đơn của người nộp thuế ngừng hoạt động, bỏ trốn mang theo hóa đơn,..
– Thông tin hóa đơn đã mất, hủy, xóa bỏ trong quá trình sử dụng
– Thông tin hóa đơn không còn giá trị sử dụng qua kết luận của thanh tra, kiểm tra của Cơ quan thuế.
Trên đây là hướng giải quyết khi gặp phải trường hợp mua hóa đơn của DN bỏ trốn. Đại lý thuế A&T Quảng Ninh mong rằng có thể chia sẻ một số vướng mắc của anh (chị). Bên cạnh đó cũng khuyên các anh (chị) kế toán khi nhận hóa đơn thì nên kiểm tra thật kĩ để tránh sử dụng kê khai nhầm hóa đơn bất hợp pháp.