TRỢ CẤP MẤT VIỆC LÀM CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG VÀ KHOẢN TRỢ CẤP NÀY CÓ ĐƯỢC TÍNH VÀO CHI PHÍ CHỊU THUẾ TNDN?

Những người lao động mất việc làm do doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, hoặc do lý do kinh tế thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động khoản trợ cấp mất việc làm. Vậy những trường hợp nào được hưởng khoản trợ cấp mất việc làm và mức hưởng khoản trợ cấp như thế nào? Khoản trợ cấp mất việc làm cho người lao động có được tính vào chi phí được trừ không? Mời bạn đọc cùng Đại lý thuế A&T tìm hiều vấn đề này.

 

1 – Các đối tượng, điều kiện và cách tính mức hưởng trợ cấp mất việc làm

Theo Điều 44, điều 45 Bộ luật lao động số 10/2012/QH 13 quy định đối tượng hưởng trợ cấp mất việc làm như sau:

– Khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu; công nghệ mà làm ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động; người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc.

– Vì lý do kinh tế mà người lao động có nguy cơ mất việc làm, phải thôi việc; người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mà phải cho người lao động thôi việc.

– Trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia tách doanh nghiệp, hợp tác xã,… người sử dụng lao động không sử dụng hết số lao động hiện có và người sử dụng lao động cho người lao động thôi việc.

– Thực hiện chuyển quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp; nhưng không sắp xếp được công việc cho người lao động.

Điều 49 Bộ Luật cũng quy định:

– Người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động đã làm việc thường xuyên cho mình từ 12 tháng trở lên mà bị mất việc làm theo quy định tại Điều 44 và Điều 45 của Bộ luật này, mỗi năm làm việc trả 01 tháng tiền lương nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương ; nhưng, nếu thời gian làm việc tính trả trợ cấp ít hơn 18 tháng thì doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động ít nhất bằng 02 tháng tiền lương;

– Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc.

– Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân theo hợp đồng lao động của 06 tháng liền kề trước khi người lao động mất việc làm.”

Ví dụ: Công ty A kinh doanh dịch vụ lưu trú buộc phải tạm ngừng kinh doanh và cho cán bộ nhân viên thôi việc do không có khả năng tạo công ăn việc làm trong thời gian dịch Covid- 19 kéo dài trên toàn cầu. Tính đến thời điểm tạm dừng, Công ty có:

– TH 1: 08 nhân viên làm việc được 36 tháng và tham gia BHTN tại công ty là 26 tháng.

– TH 2: 06 nhân viên làm việc được 14 tháng và tham gia BHTN tại công ty là 12 tháng.

– TH 3: 02 nhân viên làm việc được 05 tháng và tham gia BHTN tại công ty là 03 tháng.

Như vậy, theo các quy định của Luật Lao Động: Công ty sẽ xem xét chi trả trợ cấp thôi việc có các nhân viên thuộc TH 1 và TH 2. Thời gian tính trợ cấp thôi việc cho nhân viên được tính như sau:

– TH 1: Thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc là 10 tháng

– TH 2: Thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc là  02 tháng

Do Thời gian tính hưởng trợ cấp thôi việc của các nhân viên trên đều dưới 18 tháng nên mỗi nhân viên sẽ được nhận khoản tiền bằng 02 tháng tiền lương tính hưởng trợ cấp.

2 – Trợ cấp mất việc làm có được tính vào chi phí được trừ khi tính thuế TNDN không?

Thông tư 96/2015/TT-BTC tại Điều 4, Khoản 2, Điểm 2.12 sửa đổi, bổ sung Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định về các khoản chi không được tính vào chi phí được trừ như sau: “2.12. Khoản chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động không theo đúng quy định hiện hành.”

Như vậy: Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khoản chi trả trợ cấp mất việc làm nếu:

– Khoản chi trợ cấp mất việc làm theo đúng quy định của Luật lao động (như mục 1 đã nêu):

+ Chi đúng đối tượng được hưởng trợ cấp mất việc làm

+ Người lao động phải thỏa mãn điều kiện hưởng trợ cấp mất việc làm

+ Doanh nghiệp phải chi đúng mức hưởng trợ cấp mất việc làm

– Trợ cấp mất việc làm được quy định trong các văn bản cụ thể sau: Hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, Quy chế tài chính của công ty, tổng công ty, tập đoàn, Quy chế thưởng do Chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc quy định theo quy chế tài chính của công ty, tổng công cty.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!