Tại một số đơn vị sử dụng hóa đơn điện tử, do đặc thù kinh doanh, ngày lập và ký duyệt trên hóa đơn điện tử không đồng nhất. Đại Lý Thuế A&T tìm hiểu và giải đáp thắc mắc nói trên, căn cứ vào Công văn số 812/TCT-DNL ngày 13/3/2019 của Tổng cục Thuế trả lời Cục Thuế tỉnh Thanh Hóa, cụ thể như sau:
- Quy định về việc khởi tạo hóa đơn điện tử
“ Tiết e, Điểm 1, Điều 6 Thông tư 32/2011/TT-BTC ngày 14/3/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có nêu rõ chữ ký điện tử của người bán; ngày, tháng năm lập và gửi hóa đơn là những nội dung bắt buộc phải có trong hóa đơn điện tử.”
Cũng tại Thông tư số 32/2011/TT- BTC, Khoản 1 Điều 8 quy định:
“Lập hóa đơn điện tử là việc thiết lập đầy đủ các thông tin quy định tại Điều 6 Thông tư này khi bán hàng hóa, dịch vụ trên định dạng hóa đơn đã được xác định. Các hình thức lập hóa đơn điện tử:
Người bán hàng hóa, dịch vụ (tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử) thực hiện lập hóa đơn điện tử tại hệ thống phần mềm lập hóa đơn điện tử của người bán;
Người bán hàng hóa, dịch vụ (tổ chức khởi tạo hóa đơn điện tử) truy cập vào chương trình hệ thống lập hóa đơn điện tử của tổ chức trung gian cung cấp giải pháp hóa đơn điện tử để khởi tạo và lập hóa đơn điện tử.”
Về tiêu thức “Ngày tháng năm” lập hóa đơn, Tiết a, Khoản 2, Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn:
“Ngày lập hóa đơn đối với bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền….”
- Vướng mắc thực tế doanh nghiệp gặp phải khi sử dụng hóa đơn điện tử
Trong quá trình áp dụng hóa đơn điện tử vào hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã gặp phải trường hợp ngày ký hóa đơn điện tử khác với ngày lập hóa đơn điện tử. Khi đó, doanh nghiệp không chắc chắn liệu hóa đơn điện tử đã lập có hợp lệ và doanh nghiệp nên sử dụng ngày lập hay ngày ký hóa đơn điện tử để thực hiện hạch toán doanh thu, chi phí.
Điển hình như trường hợp tại Công ty xi măng Nghi Sơn được đề cập trong Công văn số 812/TCT-DNL. Tại công ty này, ngày lập hóa đơn điện tử được thực hiện đúng theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC và thông thường trùng với ngày ký trên hóa đơn điện tử. Tuy nhiên, do đặc thù kinh doanh, hoạt động bán hàng được thực hiện liên tục cả ngày và đêm. Hóa đơn tương ứng được lập và xuất liên tục trên phần mềm hóa đơn điện tử. Điều này dẫn đến tình trạng một số hóa đơn có ngày phê duyệt sau ngày lập hóa đơn do:
Hóa đơn điện tử được lập và gửi cho người mua vào trước 24h của ngày hôm trước
Người mua thực hiện ký điện tử trên hóa đơn điện tử nhận được và gửi cho người bán hóa đơn điện tử có đủ chữ ký điện tử của người mua và người bán vào sau 00h ngày hôm sau.
Kết luận: Căn cứ vào qui định của pháp luật về khởi tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử và mô hình hoạt động bán hàng thực tế của công ty, Tổng cục Thuế đã trả lời đồng ý với đề xuất của doanh nghiệp căn cứ ngày lập trên hóa đơn điện tử là ngày xác định nghĩa vụ kê khai, nộp thuế và hạch toán theo quy định. Tuy nhiên, về cơ bản doanh nghiệp phải thực hiện xuất hoá đơn điện tử với đầy đủ ngày ký và ngày lập hoá đơn, đồng thời hai ngày này phải giống nhau để được ghi nhận là hoá đơn hợp lệ. Ngoài ra, khi phát sinh trường hợp trong trường hợp bất khả kháng, doanh nghiệp nên gửi văn bản hỏi cơ quan quản lý thuế trực tiếp để có phương án áp dụng hợp lý nhất.
Bài viết liên quan:
- Hóa đơn khi viết sai và cách xử lý.
- Lập hóa đơn điện tử có được kèm bảng kê không?
- Có nhất thiết phải có chữ ký điện tử của người mua trên hóa đơn điện tử hay không?
- Những quy định sử dụng hóa đơn điện tử (2019)